10 lý do vì sao bạn học tiếng Đức mãi mà không tiến bộ 🌷 phần 3

Phần 1
Phần 2

8. Chỉ sử dụng một phương pháp học

Không có một công thức chung nào cho sự thành công trong học tập. Mỗi người phải tự tìm ra điểm mạnh của mình và phát huy nó để giúp cho việc học được trở nên hiệu quả hơn. Dưới đây là 4 phong cách học tập phổ biến và những phương pháp học phù hợp với chúng để bạn có thể tham khảo.

a) Auditiver Lerntyp – Học bằng thính giác

Những người thuộc nhóm này có thể ghi nhớ tốt thông tin bằng cách nghe, nhưng cũng lại rất dễ mất tập trung nếu học ở trong một môi trường có nhiều tiếng ồn. Bạn có thể học từ vựng bằng cách đọc to các từ lên, hay thu âm rồi nghe lại trong khi rảnh rỗi (ví dụ như ngồi trên tàu, xe buýt, v.v.). Thay vì học với sách vở, bạn có thể học qua việc nghe đài, nghe sách nói, xem phim.  

Bạn có thể học bằng cách nghe kể chuyện miễn phí ở đây http://www.amira-lesen.de/#page=read

b) Visueller Lerntyp – Học bằng thị giác

Với những người này, việc ghi nhớ thông tin sẽ được thực hiện nhanh nhất qua tranh ảnh, video. Tuy nhiên, họ lại có xu hướng cô lâp một mình, không muốn phụ thuộc vào ai mà tự muốn đặt ra tốc độ học cho mình. Việc học thuộc đối với họ sẽ dễ dàng hơn việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp.

Để ghi nhớ từ vựng, bạn có thể tưởng tượng trong đầu mình những hình ảnh liên quan tới các từ đó, hoặc viết đi viết lại từ ra giấy để có thể lưu giữ được hình ảnh về chữ của từ. Ngoài ra, bạn cũng có thể có cho mình một quyển từ vựng với những hình minh họa bạn tự vẽ hay viết từ lên các mẩu giấy nhỏ rồi dán lên các vật dụng tương ứng trong nhà. Việc học với Mindmaps – bản đồ tư duy hay thẻ từ cũng sẽ phù hợp với bạn.

c) Kommunikativer Lerntyp – Học bằng cách giao tiếp

Những người với phong cách học này chắc chắn là không nên học một mình mà nên học theo nhóm, vì họ học tốt nhất là qua các hội thoại hay những cuộc thảo luận. Bạn có thể hình thành cho mình những nhóm học hay tìm người Đức để thực hành giao tiếp với họ. Nếu không, bạn có thể tự suy nghĩ ra một chủ đề và nói về nó bằng tiếng Đức. Bạn có thể thu âm rồi nghe lại để biết được lỗi sai và kiểm soát được sự tiến bộ của mình.

d) Motorischer Lerntyp – Học bằng cách vận động

Với những người trong nhóm này, việc ngồi một chỗ để học thuộc từ vựng hoàn toàn không phải là phương pháp phù hợp đối với họ. Thay vào đó, họ thích sự vận động, sự di chuyển và thực hành.

Họ học tốt nhất khi thấy những nội dung học có thể áp dụng được vào cuộc sống của mình. Họ thích vừa học vừa đi lại, thay vì ngồi yên một chỗ. Việc học qua thảo luận nhóm hay thuyết trình cũng giúp tăng khả năng ghi nhớ cho họ.

Bạn có thể kết hợp các phương pháp vừa nêu trên với nhau, thử nghiệm chúng và tự đánh giá xem phương pháp nào là phù hợp nhất đối với mình. Hãy nhớ rằng, không có phương pháp học nào là hay hay dở, mà chỉ có phù hợp hay không phù hợp mà thôi.  

9. Tâm lý học-chỉ-để-thi

Với những bạn học tiếng Đức ở Việt Nam, mục đích chính vẫn là vượt qua các kì thi để có được chứng chỉ ngôn ngữ cần thiết cho việc xin visa du học hay định cư. Mặc dù như vậy, bạn cũng không nên có tâm lý học-chỉ-để-thi hay cố gắng „chịu khổ“ một thời gian rồi có được tấm bằng là xong. Tư duy này thực sự rất sai lầm nếu như bạn có mục đích học tập và sinh sống lâu dài tại Đức.

Tôi từng được học sinh kể cho câu chuyện về người bạn của mình đã bị nhân viên Sở ngoại kiều Frankfurt xé tấm bằng tiếng Đức B1 ngay trước mặt và sẵn sàng đối chất với người đã cấp cho anh ta tấm bằng này, khi anh này mặc dù có bằng B1 nhưng nghe nói không hiểu chút gì.

Vậy nên, bạn hãy nghiêm túc với việc học tiếng Đức ngay khi còn ở Việt Nam nếu như không muốn bị mất nhiều tiền và nhiều thời gian khi sang bên Đức phải đi học lại tiếng. Việc có một kiến thức nền tảng tốt sẽ giúp bạn dễ dàng học lên các trình độ cao hơn và hòa nhập nhanh hơn với cuộc sống tại Đức.

10. So sánh mình với người khác

Có bao giờ bạn cảm thấy xấu hổ khi với cùng một vấn đề, những người khác thì hiểu mà mình thì không? Việc tự so sánh bản thân mình với người khác là hoàn toàn bình thường. Nhưng các bạn hãy lấy đó làm động lực cho mình cố gắng thêm, chứ không phải là lý do để mình cảm thấy tự ti.

Nếu đi ra thế giới, bạn sẽ thấy ngoại ngữ chỉ là một công cụ để mình giao tiếp, học tập hay làm việc thôi, chứ chẳng phải là điều gì quá cao siêu để mà đi ganh đua nhau từng điểm số. Mặc dù có điểm số cao trong các kì thi, nhưng chưa chắc bạn đã có thể tự tin giao tiếp trong một buổi phỏng vấn xin việc.

Mỗi người là một cá thể riêng biệt với những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Vậy nên, thay vì tập trung vào những gì mình chưa có, bạn hãy chú ý phát triển những điểm mạnh của mình. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn và đạt được những kết quả tốt hơn trong tương lai.     

Đây là những kinh nghiệm mà tôi đã đúc kết được từ 14 năm học và 6 năm giảng dạy tiếng Đức của mình. Các bạn hãy xem xem mình có những đặc điểm nào trong 10 đặc điểm đã nêu trong bài và cố gắng điều chỉnh để hoàn thiện mình.

Tác giả: Tâm Nguyễn

Hãy chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *