Những điều bạn cần lưu ý khi nhập cảnh vào Đức (2019) ✈

Mùa hè là mùa nhiều người lên kế hoạch cho mình và gia đình những chuyến du lịch châu Âu để thăm người thân, bạn bè, hay đơn giản là thưởng thức phong cảnh và trải nghiệm một nền văn hóa mới.

Để chuyến đi của mình thêm trọn vẹn, bạn hãy tham khảo những thông tin sau đây của Hải Quan Đức đối với những hành khách nhập cảnh từ những nước ngoài khối châu Âu.

Có những gì bạn được phép mang theo và những gì không được phép? Bạn hãy lưu ý những điều sau để tránh cho mình những rắc rối không đáng có.

1. Có được mang trái cây và hoa quả vào Đức không?

Câu trả lời là , bạn được phép mang theo trái cây và rau quả, nhưng chỉ với mục đích sử dụng cho cá nhân, có nghĩa là số lượng không được quá lớn.

Đây là thông tin chính thức từ website của Hải Quan Đức.

Tuy nhiên bạn không được phép mang:
Nấm hoang dã (nếu mang theo phải trình giấy cấp phép xuất khẩu) và nấm ăn với khối lượng lớn hơn 2 kg (có nghĩa là dưới 2 kg vẫn được phép)
Khoai tây.


❗❗❗ Với hành khách nhập cảnh ở sân bay Frankfurt có một số điều cần lưu ý:

– Khoai tây, các cây họ chanh (như cam, quýt, chanh, bưởi, v.v.), nho, cây họ cà (như cà tím, cà chua, ớt quả, ớt chuông, v.v.) và đất (trồng cây) hoàn toàn bị cấm mang vào Đức.

– Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật được đông lạnh, làm khô hoàn toàn hay đã được qua xử lý thì không rơi vào quy định này.

– Hoa (cắt cành), quả, hạt giống và rau củ nếu mang theo phải được trình báo với hải quan và phải trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Pflanzengesundheitszeugnis) được cấp bởi cơ quan kiểm dịch thực vật ở nước ngoài (ví dụ như của Việt Nam). Nếu không có giấy này, các sản phẩm có nguồn gốc thực vật bạn mang theo sẽ bị thu giữ mà không cần biết số lượng nhiều hay ít và phục vụ cho mục đích cá nhân hay buôn bán.


sân bay Munich (Flughafen München), quy định nhập cảnh rau củ quả giữ nguyên như với quy định thông báo chính thức trên website của Hải quan Đức (mời bạn xem ở trên).

Vậy nên, trước khi sang Đức, bạn nên lựa chọn sân bay mà mình sẽ đặt chân tới và tham khảo kỹ quy định hải quan ở từng sân bay.

2. Có được phép mang thịt và các sản phẩm từ thịt vào Đức không?

Câu trả lời là KHÔNG. Với người Việt Nam, thực phẩm từ thịt phổ biến có thể kể đến là thịt bò khô, ruốc, lạp xưởng, v.v. Những thực phẩm này theo luật hoàn toàn bị cấm mang theo vào Đức.

Cụ thể, các sản phẩm bị cấm là:
– trứng cá muối từ cá tầm
– Thực phẩm và thức ăn gia súc có nguồn gốc động vật như: thịt, các sản phẩm từ thịt, (thịt) thú rừng, sữa, các sản phẩm từ sữa và trứng.

Tuy nhiên, có một số thực phẩm bạn được phép mang theo mà không cần suy nghĩ, đó là:

– Thức ăn cho trẻ sơ sinh và các thực phẩm đặc biệt phục vụ mục đích y tế còn nguyên bao với khối lượng không quá 2 kg.

– Thực phẩm chỉ chứa một lượng nhỏ sữa và kem (Sahne) như kẹo kem (Sahnebonbons), sô-cô-la và bánh quy.

– Các sản phẩm khác có nguồn gốc động vật mà không phải là thịt hay sữa với khối lượng không quá 2 kg, ví dụ: mật ong không kèm theo tổ ong.

– Các sản phẩm thủy hải sản với khối lượng tối đa 20 kg.

3. Một số lưu ý khác

a) Những vật phẩm mang về từ chuyến đi chỉ được phép sử dụng cho mục đích cá nhân, cho người thân trong gia đình và với mục đích quà tặng.

Việc mang hộ người khác mà được trả công là không được phép.

Đồ dùng không được phép sử dụng cho mục đích buôn bán.

b) Đồ được mang vào miễn thuế:

Thuốc lá (chỉ cho người từ 17 tuổi trở lên):
– 200 điếu thuốc lá hoặc
– 100 điếu xì gà nhỏ (với trọng lượng lớn nhất là 3 gram một điếu) hoặc
– 50 điếu xì gà thường hoặc
– 250 gram thuốc lá khô hoặc
– tổng hợp các loại theo tỷ lệ phân chia cân đối.

Rượu và các đồ uống có cồn (chỉ cho người từ 17 tuổi trở lên)
– 1 lít rượu và đồ uống có cồn với nồng độ cồn từ 22 Vol.-% hay cồn nguyên chất không bị làm biến tính với nồng độ cồn từ 80 Vol-% hoặc
– tổng hợp các loại theo tỷ lệ phân chia cân đối
– 2 lít rượu hoặc đồ uống có cồn với nồng độ cồn tối đa 22 Vol.-% hoặc
– 4 lít rượu không sủi bọt và
– 16 lít bia

c) Các đồ vật khác

– Khách nhập cảnh theo đường hàng không được mang vật dụng, hàng hóa có giá trị tổng cộng tối đa 430 Euro.

– Khách dưới 15 tuổi được mang vật dụng, hàng hóa có giá trị tổng cộng tối đa 175 Euro.

– Nếu mang từ 10.000 Euro tiền mặt trở lên (bao gồm tiền giấy, tiền xu, séc du lịch, trái phiếu, cổ phiếu, sổ tiết kiệm, v.v.) thì phải trình báo với hải quan. Trường hợp không trình báo mà bị phát hiện có thể bị phạt tiền lên tới 1 triệu Euro.

Các hàng hóa và sản phẩm nhái có thể bị hải quan thu hồi và tiêu hủy. Bên cạnh đó, nếu như bị nghi ngờ mang vào với mục đích buôn bán có thể bị xử lý hình sự.

Đây là tổng hợp những thông tin quan trọng nhất về quy định nhập cảnh vào Đức. Mọi thông tin cụ thể hơn bạn có thể tham khảo các nguồn sau:

Thông tin tham khảo
Hải quan Đức (Zoll)
Sân bay Frankfurt (Frankfurt Flughafen)
Sân bay Munich (Flughafen München)

Tổng hợp thông tin và viết bài:
Tâm Nguyễn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *